Cẩu tích
Cẩu tích là một cây thuốc phân bố rất rộng rãi ở ven rừng phục hồi sau nương rẫy và trên các tràng cây bụi hoặc nơi đất ẩm gần bờ khe suối, rừng núi ở khắp các tỉnh từ Lào Cai. Hà Giang, qua Quảng Nam – Đà Nẵng đến Lâm Đồng. Có công dụng chữa tê thấp, đau lưng (thân rễ ngâm rượu hoặc sắc uống), thuốc cầm máu (lông dịt vết thương).
Nội dung
TÌM HIỂU CHUNG
- Tên gọi
– Tên thường gọi: Kim mao cẩu tích, Cu li, Rễ lông cu li, Cù liền…
– Tên khoa học: Cibotium barometz (L.) J. Sm.
– Tên dược: Rhizoma Cibotii Barometz.
– Họ khoa học: Cibotiaceae (họ Dương xỉ)
- Đặc điểm tự nhiên
– Cây có thân thường yếu, nhưng cũng có thể cao 2,5-3m.
– Lá lớn có cuống dài 1-2m, màu nâu nâu, ở phía gốc có vẩy hình dải rất dài màu vàng và bóng phủ dày đặc. Phiến dài tới 3m, rộng 60-80cm. Các lá lông chim ở phía dưới hình trái xoan ngọn giáo dài 30-60cm. Lá lông chim bậc hai hình dải – ngọn giáo, nhọn lại chia thành nhiều đoạn thuôn, hẹp; mặt trên lá màu lục sẫm, mặt dưới màu lục lơ; trục lá không lông; các gân của các lá chét bậc hai có lông len.
– Ổ túi bào tử 1 hay 2, có khi 3 hay 4 ở về mỗi bên của gân giữa bậc 3; các túi màu nâu nâu, có 2 môi không đều nhau; cái ở ngoài hình cầu, cái ở trong hẹp hơn, thuôn.
PHÂN BỐ, THU HÁI, CHẾ BIẾN
- Phân bố
– Cây phân bố rất rộng rãi ở ven rừng phục hồi sau nương rẫy và trên các tràng cây bụi hoặc nơi đất ẩm gần bờ khe suối, rừng núi ở khắp các tỉnh từ Lào Cai. Hà Giang, qua Quảng Nam-Đà Nẵng đến Lâm Đồng.
- Thu hái
– Bộ phận dùng: Thân, rễ.
– Thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất là mùa thu, đông.
- Chế biến:
– Cắt bỏ rễ con và cuống lá, cạo hết lông vàng để riêng. Rễ củ đã cạo hết lông, rửa sạch, thái phiến hay cắt từng đoạn dài 4-10mm, phơi hay sấy khô.
Cần bảo quản nơi khô ráo. Khi dùng tẩm dược liệu với rượu để một đêm rồi sao vàng.
- Bảo quản:
– Dược liệu sau khi đã được sơ chế cần bảo quản ở những nơi thoáng mát
- THÀNH PHẦN HÓA HỌC
– Có alkaloid, ít tinh dầu, chất màu, vitamin E, saponin, tanin.
CÔNG DỤNG
Tính vị:
– Vị đắng, ngọt, ôn.
Quy kinh:
Quy vào can, thận
Theo y học cổ truyền:
– Công dụng: Mạnh gân xương, trừ phong thấp và bổ can thận.
– Chủ trị: Bạch đới, khí hư, tiểu tiện nhiều lần, đau lưng, thận hư yếu,…
– Ngoài ra nhân dân còn dùng lông ở thân rễ của cây cu li đắp lên vết thương giúp cầm máu.
Theo y học hiện đại
– Được dùng chữa thấp khớp, đau lưng nhức mỏi, đau dây thần kinh. Còn dùng để làm thuốc chống viêm, khí hư, trị bệnh tiểu rắt.
LIỀU DÙNG & CÁCH DÙNG
– Lông cu li được dùng chủ yếu ở dạng sắc với liều lượng 10 – 15g/ ngày.
Lưu ý
– Thận hư nhiệt, nước tiểu vàng không nên dùng.
– Nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc, bác sĩ trước khi sử dụng.