Đan sâm
Đan sâm có nguồn gốc từ rễ cây Đan sâm, một loại cây thuộc họ Bạc hà. Vị thuốc Đan sâm được dùng trong Đông Y với công dụng có lợi cho sức khỏe con người.
Nội dung
TÌM HIỂU CHUNG
- Tên gọi
– Tên thường gọi: Tử sâm, Xích sâm, Huyết sâm, Đơn sâm…
– Tên khoa học: Salvia multiorrhiza Bunge.
– Họ khoa học: Bạc hà (Lamiaceae).
- Đặc điểm tự nhiên
– Cây đan sâm là một cây thuốc quý, dạng cây thân cỏ, sống lâu năm, cây cao khoảng 30-80cm, thân màu đỏ nâu, đường kính 0,5- 1,5cm. Thân vuông, trên có các gân dọc.
– Lá kép mọc đối, thường gồm 3-7 lá chét; lá chét giữa thường lớn hơn, mép lá chét có răng cưa tù; mặt trên lá chét màu xanh tro, có lông.
– Hoa mọc thành chùm ở đầu cành, dài 10-15cm, với 6 vòng hoa; mỗi vòng 3-10 hoa, thông thường là 5 hoa, màu đỏ tím nhạt. Tràng hoa 2 môi, môi trên cong hình lưỡi liềm, môi dưới xẻ ba thùy; 2 nhị ở môi dưới; bầu có vòi dài.
– Quả nhỏ, dài 3mm, rộng 1,5mm.
– Mùa ra hoa từ tháng 5 đến tháng 8. Mùa quả từ tháng 6-9 hàng năm.
PHÂN BỐ, THU HÁI, CHẾ BIẾN
- Phân bố
– Thảo dược phân bố chủ yếu ở Trung Quốc (Hà Bắc, Giang Tô, Tứ Xuyên, Sơn Tây,…). Hiện nay cây đã được di thực vào Việt Nam và trồng tại Tam Đảo.
- Thu hái
– Bộ phận sử dụng: Rễ và thân rễ.
– Thu hoạch rễ vào mùa đông (tháng 11 – 12) hàng năm.
- Chế biến:
– Đào rễ, rửa sạch, bỏ rễ con.
– Có thể dùng sống, phơi và sấy khô hoặc bào chế bằng cách thái phiến, thêm rượu và ủ trong vòng 1 giờ, sau đó đem sao với lửa nhỏ cho khô.
- Bảo quản:
– Bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ẩm, gió và côn trùng.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
– Dược liệu chứa các thành phần hóa học như iso cryptotanshinone, cryptotanshinone, ceton, methyl-tanshinone, vitamin E, acid lactic,…
CÔNG DỤNG
Tính vị:
– Vị đắng, không có độc, tính hơi hàn.
Quy kinh:
– Quy vào Can, Tâm và Tâm bào.
Theo y học cổ truyền:
– Công dụng: Hoạt huyết thông kinh, chỉ thống, thanh tâm, khứ ứ và trừ phiền.
– Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, hạ tiêu kết thành hòn cục, mất ngủ, hồi hộp, bế kinh, sưng đau khớp và nhọt sưng tấy.
Theo y học hiện đại
– Tác dụng chống đông máu và cải thiện tuần hoàn ngoại vi.
– Cải thiện chức năng tim nên có khả năng ngăn chặn nhồi máu cơ tim.
– Tác dụng giãn động mạch vành.
– Tác dụng hạ huyết áp.
– Giảm nồng độ triglicerid trong máu và gan.
– An thần, kháng khuẩn và ức chế tế bào ung thư.
LIỀU DÙNG & CÁCH DÙNG
– Dùng đan sâm ở dạng sắc, có thể sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp với một số dược liệu khác.
– Liều dùng trung bình 6 – 12g/ ngày.
Lưu ý
– Đan sâm kỵ giấm, úy diêm thủy và phản lê lô, vì vậy cần tránh dùng phối hợp với những dược liệu này.
– Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.