Dược liệu

Địa hoàng – Sinh địa – Thục địa

Cây địa hoàng

Sinh địa còn được biết đến với tên thông dụng là địa hoàng (thục địa) – một vị thuốc xuất hiện rất nhiều trong các bài thuốc Đông y. Dược liệu này có tác dụng hỗ trợ điều trị chảy máu cam, sốt xuất huyết, kinh nguyệt không đều…

TÌM HIỂU CHUNG

  • Tên gọi

– Tên thường gọi: Sinh địa, Địa hoàng, Thục địa, Nguyên sinh địa

– Tên khoa học: Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch. ex Steud.

– Họ khoa học: Hoa mõm chó (Scrophulariaceae)

  • Đặc điểm tự nhiên

– Cây thân thảo, sống lâu năm, cao độ 10 – 30cm khi đã trưởng thành. Toàn cây có lông mềm và lông bài tiết màu tro trắng. Thân rễ phình lên thành củ, lúc đầu mọc thẳng, sau mọc ngang, đường kính từ 0,4 đến 2-3cm.

– Lá mọc vòng ở gốc, ít khi thấy ở thân, phiến lá hình trứng ngược, dài 3-15cm, rộng 1,5-6cm, đầu lá hơi tròn, phía cuống hẹp lại, mép lá có răng cưa mấp mô không đều, phiến lá có nhiều gân nổi ở mặt dưới chia lá thành những múi nhỏ.

– Mùa hạ nở hoa màu tím đỏ mọc thành chùm ở đầu cành. Đài và tràng đều hình chuông, tràng hơi cong, dài 3-4cm, mặt ngoài tím sẫm, mặt trong hơi vàng với những đốm tím,3 nhị với 2 nhị lớn. Ở Việt Nam ta chưa thấy có quả.

– Mùa hoa là tháng 4-5, mùa quả tháng 5-6.

PHÂN BỐ, THU HÁI, CHẾ BIẾN

  • Phân bố

– Cây có nguồn gốc từ vùng ôn đới ẩm của Trung Quốc, được trồng ở nhiều tỉnh của nước này. Một số nước khác như Triều Tiên, Nhật Bản cũng trồng với quy mô nhỏ.

– Tại Việt Nam, cây được trồng ở nhiều tỉnh từ Bắc vào Nam, như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Cao Bằng…

  • Thu hái

– Bộ phần chính dùng làm thuốc: Rễ phình lên thành củ.

– Đối với các tỉnh miền núi cao hay nơi lạnh nhiều, mỗi năm chỉ có thể trồng được một vụ: Vào cuối xuân (tháng 3, tháng 4 dương lịch) thì trồng và thu hoạch vào tháng 8-9. Nếu trồng vào mùa thu, cây không phát triển được vào mùa lạnh.

Đối với các tỉnh miền trung du và đồng bằng mỗi năm có thể trồng hai vụ: Một vụ trồng vào tháng 1-2, thu hoạch vào tháng 7-8, một vụ trồng vào tháng 7-8 và thu hoạch vào tháng 2-3.

  1. Chế biến:

– Địa hoàng: Rễ củ (Radix Rehmanniae) tươi vừa thu hoạch. Chọn ngày nắng ráo để đào củ. Củ Điạ hoàng tươi hình thoi hay hình trụ cong queo, dễ bẻ gãy, mặt ngoài màu vàng đỏ, có những vùng thắt lại chia củ thành từng khoanh. Trên các rãnh có vết bầm.

– Sinh địa: Củ Địa hoàng đã được chọn lựa, rồi rải vào lò sấy; sấy trong 6-7 ngày cho khô đều.

– Thục địa: Có 2 cách chế biến:

Cách 1: ủ Địa hoàng lấy về, ngâm nước, cạo sạch đất. Lấy những củ vụn nát nấu lấy nước, nước đó tẩm những củ đã được chọn rồi đem đồ, đồ xong lại phơi, phơi khô lại tẩm. Tẩm và đồ như vậy 9 lần, khi màu thục đen nhánh là được. Khi nấu không dùng đồ kim loại như đồng, sắt.

Cách 2: Tiến hành nấu sinh địa với nước và rượu trắng khoảng 40°. Đun trên lửa nhỏ, luôn đảo đều cho củ ngấm đến khi cạn. Sau đó thêm gừng và nấu lại lần thứ 2. Cứ tiếp tục quá trình này đến khi dược liệu có màu đen nhánh là đạt.

  1. Bảo quản:  

– Cất nơi kín đáo, khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

– Các thành phần có trong sinh địa được ghi nhận bao gồm: Rehmanin, Glucozit, Glucoza, Caroten, Manit, Ancaloit, Daucosterol, Acid sucinic, Acid palmitic, Campesterol…

CÔNG DỤNG

Tính vị:

– Vị ngọt, đắng, tính hàn.

Quy kinh:

– Quy về 3 kinh Can, Thận và Tâm.

Theo y học cổ truyền:

Chủ trị:

– Dùng để chữa các bệnh thiếu máu, người yếu mệt, chảy máu cam, kinh nguyệt không đều, ho ra máu, động thai…

Công dụng:

– Bổ thận, bổ máu, làm mát máu, thông huyết mạch, chữa hư lao.

– Chữa sốt cao kéo dài, mất nước.

– Chữa ho lâu ngày, rối loạn thực vật do lao.

– Giải độc cơ thể, chữa viêm họng, mụn nhọt.

– Chữa chảy máu do sốt nhiễm trùng: chảy máu cam, lỵ ra máu, ho ra máu…

– Chữa táo bón do tạng nhiệt hay sốt cao mất nước gây táo bón.

– An thai khi sốt nhiễm trùng gây động thai.

Theo y học hiện đại

– Chống viêm.

– Ức chế miễn dịch.

– Cường tim, cầm máu, hạ áp, hạ đường huyết.

– Bảo vệ gan, chống nấm, chống phóng xạ, lợi tiểu.

LIỀU DÙNG & CÁCH DÙNG

– Thường là sắc lấy nước uống, giã vắt nướng, tán bột, làm hoàn hay đắp ngoài da.

– Liều lượng được khuyến cáo là khoảng từ 10 – 20g cho một ngày. Tuy nhiên có thể tăng giảm liều tùy theo từng bài thuốc hay sự kết hợp với các dược liệu khác.

Lưu ý

Khi sử dụng dược liệu sinh địa cần chú ý đến các vấn đề sau:

– Không dùng chung với lai phục tử bởi có thể phản tác dụng hay làm tăng nguy cơ phát sinh tác dụng phụ.

– Khi có triệu chứng dị ứng hoặc quá mẫn thì cần ngưng thuốc ngay lập tức.

– Không dùng cho các đối tượng tỳ hư, đi ngoài lỏng, kém ăn, bụng đầy chướng.

Nên ham khảo ý kiến bác sĩ, thầy thuốc trước khi sử dụng.

NGUỒN THAM KHẢO:

https://tracuuduoclieu.vn/

https://mplant.ump.edu.vn/

https://bvnguyentriphuong.com.vn/

https://tracuuduoclieu.vn/

https://youmed.vn/

https://vnras.com/