Giảo cổ lam
Giảo cổ lam là một loại dược liệu đã xuất hiện từ lâu đời. Ở Trung Quốc, từ xa xưa nó đã được sử dụng trong cung đình làm thuốc kéo dài tuổi thọ cho vua chúa, làm đẹp cho các cung phi. Ở Việt Nam, loài cây này cũng được sử dụng rất nhiều trong y học.
Nội dung
TÌM HIỂU CHUNG
- Tên gọi
– Tên thường gọi: Giảo cổ lam, thất diệp đảm, trường sinh thảo, thư tràng năm lá, dây lõa hùng, ngũ diệp, cỏ thần kỳ, cỏ trường thọ, cổ yếm, dền toòng…
– Tên khoa học: Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Makino
– Họ khoa học: Cucurbitaceae (Bầu bí)
- Đặc điểm tự nhiên
– Giảo cổ lam là cây thảo mọc leo, sống hằng năm. Thân mảnh, hơi có rãnh, nhẵn. Tua cuốn chẻ đôi ở đầu.
– Lá kép mọc so le, gồm 3-7 lá chét hình bầu dục-thuôn hoặc mũi mác, dài 3-9cm, rộng 1,5-3cm, gốc thuôn hẹp, đầu nhọn, mép khía răng, hai mặt có lông, ít khi nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới rất nhạt, có cuống dài 3-7cm.
– Hoa đơn tính khác gốc, mọc ở kẽ lá và đầu ngọn thành chùy buông chõng có thể dài đến 30cm (ở cụm hoa cái ngắn hơn); hoa nhỏ, hình sao, bao hoa rất ngắn, to hơn hoa cái; lá đài hình tam giác nhọn; cánh hoa hình mác rời nhau; nhị 5,bao phấn dính nhau; bầu có 3 vòi nhụy.
– Quả mọng, nạc, hình cầu, đường kính 5-9mm, nhẵn, khi chín màu đen, hạt 2-3, gần hình ba cạnh, hơi dẹt, đường kính 4mm.
– Mùa hoa: Tháng 7-8. Mùa quả: Tháng 9-10.
- Phân loại
Gồm 4 loại chính:
– Giảo cổ lam 9 lá.
– Giảo cổ lam 7 lá.
– Giảo cổ lam 5 lá.
– Giảo cổ lam 3 lá.
PHÂN BỐ, THU HÁI, CHẾ BIẾN
- Phân bố
– Cây mọc ở độ cao từ 200 – 2000 m. Cây phân bố chủ yếu ở các khu rừng thưa và ẩm ở các nước Châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Indonesia và Ấn Độ.
– Ở Việt Nam, cây được phát hiện ở dãy Fansipan và một số tỉnh ở vùng núi phía Bắc.
- Thu hái
– Bộ phận dùng: Lá.
– Thời gian thu hái quanh năm.
- Chế biến:
– Thuốc hái về đem rửa sạch đất cát, cắt những đoạn nhỏ 2 – 3cm rồi phơi hoặc sấy khô.
- Bảo quản:
– Bảo quản dược liệu nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, có thể bảo quản trong kho lạnh.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
– Thành phần hoạt chất chính của Giảo cổ lam: Saponin, flavonoid, polysaccharid.
– Giảo cổ lam còn chứa nhiều nhóm hợp chất như phenol, alkaloid, terpenoid, steroid, saponin.
– Ngoài ra, còn các loại acid amin tan trong nước, nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng như Zn, Fe, Se….
CÔNG DỤNG
Tính vị:
– Trước đắng sau ngọt, tính hàn
Theo y học cổ truyền:
Giảo cổ lam đã được ghi trong sách cổ “Nông chính toàn thư hạch chú”, quyển Hạ năm 1694 và trong cuốn “Từ điển cây thuốc Việt Nam” với những công dụng sau:
– Ba chống: Chống u, chống lão hóa, chống mệt mỏi
– Ba giảm: Giảm béo, giảm căng thẳng, giảm nám sạm da
– Năm tốt: Ăn ngủ tốt, tiêu hóa tốt, da dẻ tốt, sức khỏe tốt và giúp tỉnh táo.
Theo y học hiện đại
– Ngăn ngừa bệnh tim mạch do điều trị Cholesterol máu cao, kiểm soát tình trạng huyết áp cao. Nó lại có khả năng làm giảm các cơn đau tim.
– Điều trị và ngăn ngừa một số bệnh ung thư (u phổi, đại tràng, tiền liệt tuyến, tử cung,…)
– Tăng cường hệ miễn dịch.
– Tăng lượng máu lên não, giúp bệnh nhân cải thiện trí nhớ, giảm các triệu chứng đau đầu hoa mắt, chóng mặt.
– Giảm căng thẳng, mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ.
– Điều trị đái tháo đường type 2.
– Giúp giảm béo và kiểm soát cân nặng.
LIỀU DÙNG & CÁCH DÙNG
– Giảo cổ lam có thể dùng dưới dạng trà, thuốc sắc, nấu cao. thậm chí nó đã chế thành viên uống.
Lưu ý
– Không dùng trà Giảo cổ lam qua đêm, có thể bị đau bụng, đầy bụng.
– Trước khi dùng thuốc, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.