Cây Sả
Cây Sả là loại cây chủ yếu trồng ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Bên cạnh việc dùng làm gia việc giúp tăng sự đậm đà trong các món ăn, cây sả còn có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Các thành phần tự nhiên có trong cây Sả không những giúp giải độc cơ thể, rối loạn kinh nguyệt, làm đẹp da mà còn là một trong những thành phần dược liệu có công dụng phòng, chống ung thư.
Nội dung
TÌM HIỂU CHUNG
- Tên gọi
– Tên thường gọi: Sả chanh, cỏ sả, hương mao hoặc lá sả
– Tên khoa học: Cymbopogon flexuosus Stapf (Sả chanh), Cymbopogon winterianus Jowitt (sả Java)
– Họ khoa học: Thuộc họ lúa Poaceae (Gramineae)
- Đặc điểm tự nhiên
Cây sả là một loại cây thân thảo, có hình dáng như cỏ. Cây sả mọc thành bụi, cao từ 0,8 – 1 mét. Lá cây có màu xanh lục, lá hẹp và dài giống lá lúa, lá cỏ tranh.
Hai mặt lá sả giáp nhám. Cây sả có mùi hương đặc trưng, nhiều người cho rằng sả có mùi hương tựa như mùi chanh.
Phần thân rễ của sả có màu trắng hoặc tím nhạt. Sả là một loại cây sống lâu năm, có rễ chùm.
- Phân loại:
– Sả chanh
Sả chanh (còn gọi Sả dịu), tên khoa học Cymbopogon flexuosus. Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan. Đây là loại cây bụi sống lâu năm, thân cao 1m – 1,5m. Phiến lá hẹp dài tới 1m, mép lá nhám, có bẹ lá cuốn chặt vào nhau. Thân rễ trắng hay hơi tím. Bẹ lá không có lông và có sọc dọc. Cụm hoa gồm nhiều hoa nhỏ và không có cuống. Cây sả chanh được nhân giống bằng cách trồng từ tép sả tách từ cây mẹ sau 1-2 năm.
– Sả Java
Sả Java (Cymbopogon winterianus), có nguồn gốc từ quần đảo Java thuộc Indonesia. Giống Sả này thường mọc thành bụi, thân mọc thẳng có thể cao đến 2m. Gốc thân màu hồng tím hay đỏ tím. Cây có đốt ngắn, được bao bọc bởi các bẹ lá quấn chặt lấy nhau. Rễ cây phát triển khỏe, ăn sâu vào lòng đất 20-25cm. Lá sả Java thuôn dài có mép lá nhám, màu xanh, khi trưởng thành rũ xuống 2/3 phiến lá.. Chồi con mọc từ nách lá, tạo thành cây con được gọi là tép, nhiều tép tạo thành bụi. Chùy hoa gồm nhiều chùm mọc thẳng đứng.
– Sả bẹ
Sả bẹ (còn gọi là Sả Sri Lanka), tên khoa học Cymbopogon nardus. Có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Á. Sả bẹ mọc thành bụi, tán rộng, thân cao tới 2m, lá dài hẹp, có ít hoặc không có lông. Hoa mọc kép, cụm hoa chùy, hoa dài 60 – 80cm. Gốc Sả Sri Lanka có màu tím hồng hay tím đỏ.
– Sả hồng
Sả hồng (Sả hoa hồng, Sả Palma-rosa), tên khoa học Cymbopogon martinii, Cây Sả Hồng có thân lá nhỏ hơn các loại sả khác, mọc thành bụi cao đến 1,5m. Lá và hoa sả hồng được dùng chiết xuất tinh dầu nguyên chất.
PHÂN BỐ, THU HÁI, CHẾ BIẾN
- Phân bố
Cây Sả được trồng phổ biến khắp nơi trên thế giới. Trong đó những nước sản xuất tinh dầu Sả lớn nhất thế giới là Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc.
Ở Việt Nam, Sả được trồng nhiều tại miền Đông Nam Bộ, tây Nguyên và một số nông trường ở miền Bắc.
- Thu hái
Sả có thể trồng và thu hái quanh năm. Người ta dùng Sả vào mục đích làm nguyên liệu chế biến thực phẩm hoặc chiết xuất tinh dầu. Nếu dùng để ăn thì sau khi trồng khoảng 3 – 4 tháng thì có thể tỉa lấy các nhánh to, trồng và vun gốc cho ra nhánh ới. Còn nếu trồng để lấy tinh dầu thì thu hoạch sau khi trồng khoảng 10 – 12 tháng là tốt nhất. Khi ấy các gốc Sả đã già, sẽ cho lượng tinh dầu cao. Người ta cắt cả lá và bẹ, chừa lại một khúc 8 – 10cm trên mặt đất, rồi tiếp tục tưới nước chăm bón cho ra nhánh mới. Từ những nhánh ấy, khoảng 5 – 6 tháng sau là có thể tiếp tục thu hoạch để chiết xuất lấy tinh dầu.
- Chế biến:
Có thể dùng Sả làm gia vị trong các món ăn hoặc chế biến thành các bài thuốc dùng để chữa bệnh.
- Bảo quản: Sau khi thu hoạch, bảo quản Sả ở nơi khô ráo, thoáng mát.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Lượng tinh dầu dồi dào là thành phần chính trong cây Sả. Hàm lượng tinh dầu này thay đổi từ 0,4 – 2% tùy thuộc vào giống, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và chăm bón. Ví dụ trong giống Sả chanh (Cymbopogon flexuosus), hàm lượng tinh dầu là 0,7 – 1,5%, Sả Java (Cymbopogon winterianus) là 0,8 – 2%, còn Sả Sri Lanka (Cymbopogon nardus) chỉ có 0,4 – 0,8%.
Trong tinh dầu Sả chứa nhiều hợp chất thơm như: Citral, Geraniol, Acetat, Caproat geranyl, Dipenten, Metylheptenon, Carvon và một số ít Aldehyde như Heptandehyde và Citronellol. Trong các hợp chất này thì Geraniol, Citronellol, Citrat có hàm lượng cao nhất.
CÔNG DỤNG
Theo y học cổ truyền:
Trong Đông Y, Sả có vị cay, mùi thơm, tính ấm. Nó được biết đến với rất nhiều công dụng như:
– Giải cảm
– Hỗ trợ tiêu hóa
– Tẩy uế răng miệng, khử mùi hôi
– Giải nhiệt, thông tiểu, tiêu thực, làm ra mồ hôi
– Chữa phù nề 2 chân, tiểu ít
– Chữa tiêu chảy do lạnh bụng
– Chữa đầy bụng
– Giải rượu
– Chống trầm cảm
– Ngăn ngừa ung thư…
Ngoài ra, cây Sả còn có thể dùng để làm đẹp như:
– Chữa chàm mặt trẻ em
– Tốt cho tóc
– Giảm cân…
Theo y học hiện đại
– Chống viêm và kháng nấm
– Hỗ trợ giảm cholesterol
– Ngăn mùi và cải thiện sự trao đổi chất của cơ thể
– Giảm đau và thư giãn
– Các tác dụng khác: Cải thiện nhu động ruột, hỗ trợ trị viêm họng, viêm thanh quản, sốt, giúp ngăn ngừa lây lan các bệnh truyền nhiễm, chống ung thư, chống côn trùng…
LIỀU DÙNG & CÁCH DÙNG
Sả được dùng chữa cảm sốt, đau bụng, đi ngoài, đầy hơi, trướng bụng, nôn mửa, trẻ em phong kinh, ho, viêm phổi, ngộ độc. Ngày dùng 8-12g lá và rễ dưới dạng xông hay hãm nước uống.
Lá sả nấu nước gội đầu làm sạch gầu, trơn tóc, tránh bệnh về da đầu.
Tinh dầu sả, dùng trừ muỗi, khử mùi tanh hôi, dùng xoa ngoài chống cúm phòng bệnh truyền nhiễm.
Tinh dầu sả còn dùng trong công nghiệp chất thơm, làm nước hoa, xà phòng thơm…
Lưu ý
Trước khi áp dụng các bài thuốc từ sả, người bệnh nên tham khảo ý kiến, xin lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Công hiệu của bài thuốc còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Nếu cơ địa người bệnh không hợp với bài thuốc, người bệnh có thể sẽ gặp phải những tác dụng không mong muốn, thậm chí phản tác dụng.
Cây sả có tính ấm, giúp người bệnh tiết mồ hôi, nên thích hợp cho việc chữa các bệnh do hàn (lạnh) gây ra. Vì vậy, những trường hợp như cảm lạnh, rét run, không ra mồ hôi, ho, hắt hơi,… có thể áp dụng các bài thuốc từ cây sả.
Người bị cảm nhiệt, cảm nắng không nên dùng các bài thuốc từ sả để xông hoặc uống. Người bệnh có thể sẽ bị hao khí và tân dịch.
- NGUỒN THAM KHẢO: