Dược liệu

Khổ Qua Rừng

24-01-24 | 9:15
Cây khổ qua rừng

Tên gọi khác: Mướp đắng rừng

Tên khoa học: Momordica charantia

Họ: Bầu bí (Cucurbitaceae)

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Khổ qua rừng là loài dây leo thân thảo có chu kỳ sống hằng năm khoảng từ 5 – 6 tháng. Thân cây có cạnh, dạng dây leo bằng tua cuốn và có thể bò dài tới khoảng 2 đến 3 mét.

Phần lá cây là lá so le, dài khoảng 5 – 10cm, rộng 4 – 8cm. Phiến lá hình trứng và chia làm 5 – 7 thùy, mép kía răng. Phần gân lá có lông ngắn, mặt dưới lá thường có màu nhạt hơn mặt trên.

Hoa đực và hoa cái của cây sẽ mọc tách riêng ở phần nách lá. Cánh hoa khổ qua rừng có màu vàng. Phần quả có hình thoi với chiều dài khoảng 8 -10cm, mặt bên ngoài có nhiều u lồi. Quả non sẽ có màu xanh và khi chín thì chuyển dần sang màu vàng hồng.

2. Bộ phận dùng

Tất cả các bộ phận thân, lá, quả của khổ qua rừng đều được sử dụng để làm vị thuốc.

3. Phân bố

Khổ qua rừng có nguồn gốc từ một số quốc gia châu Á, Châu Phi và châu Úc như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Australia…

Ở nước ta, loại cây này có thể mọc hoang dại ở nhiều vùng đồi núi khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến hơn ở khu vực miền Nam.

4. Thu hái và sơ chế

Khổ qua rừng có thể được thu hái vào bất cứ khoảng thời gian nào trong năm. Dùng ở cả dạng tươi hay dạng khô đều được.

Nếu muốn bảo quản để dùng dần thì việc sơ chế là cần thiết. Mướp đắng sau khi thu hái sẽ được cắt khúc, rửa sạch và đem đi phơi cho khô.

5. Bảo quản

Với dạng mướp đắng đã qua sơ chế, nên giữ trong túi kín và để nơi khô ráo, thoáng mát. Thỉnh thoảng có thể đem ra phơi lại phòng ẩm mốc hay mối mọt.

6. Thành phần hóa học

Trong khổ qua rừng có một số thành phần được ghi nhận bao gồm: Peptide, Charantins, Ancaloit, Momocđixin

Ngoài ra, hàng loạt các thành phần dưỡng chất như chất xơ, vitamin, chất béo, khoáng chất cũng được tìm thấy trong lá và quả khổ qua rừng.

Vị thuốc khổ qua rừng

  • Tính vị: Vị đắng, tính mát.
  • Quy kinh: Chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép về vấn đề này.
  • Tác dụng dược lý

Những tác dụng của khổ qua rừng được cả y học cổ truyền và Tây y ghi nhận:

Theo y học cổ truyền:

  • Mướp đắng rừng không độc, có tính mát giúp thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm.
  • Đáp ứng trong các trường hợp say nắng, bọ mụn nhọt, sốt hay viêm nhiễm…
  • Thường xuyên sử dụng loại thảo dược này còn giúp giảm stress, tinh thần sảng khoái, tốt cho da.
  • Dân gian thường sử dụng mướp đắng rừng để chữa các bệnh về gan, đau bụng, viêm họng, hạ đường huyết…

Theo y học hiện đại:

  • Kích hoạt một số enzyme có tác dụng vận chuyển glucose từ máu đến các tế bào. Từ đó có thể kiểm soát tốt hơn chỉ số đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường.
  • Hỗ trợ kiểm soát huyết áp và tốt cho tim mạch, ngăn ngừa nguy cơ gặp các vấn đề về tim.
  • Hàm lượng vitamin Cvà protein dồi dào trong khổ qua rừng giúp nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể. Từ đó giúp cho tế bào miễn dịch tiêu có thể tiêu diệt các tế bào gây ung thư.
  • Thành phần protein tương tự như hoạt chất Alkaloid trong nước cốt mướp đắng rừng còn giúp tăng cường chức năng nuốt của thực bào.
  • Các vitamin và khoáng chấttrong thảo dược này còn hỗ trợ thải độc cho gan, chuyển chất độc đến thận rồi từ từ loại bỏ ra ngoài nhanh chóng.

7. Cách dùng – liều lượng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng khổ qua rừng theo nhiều cách khác nhau. Có thể là sắc nước uống, nước tắm hay chế biến thành món ăn. Dùng ở cả dạng khô hay dạng tươi đều mang đến những tác dụng tốt.

Về liều lượng hiện vẫn chưa có giới hạn cho định mức sử dụng khổ qua rừng. Tuy nhiên, việc quá lạm dụng, dùng quá nhiều sẽ gây ra những tác dụng phụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.