Dược liệu

Cây Lược Vàng

24-01-24 | 9:13
Cây lược vàng

THÔNG TIN CHUNG

  • Tên tiếng Việt: Cây lược vàng, Địa lan vòi, lan vũ, rai lá phất dũ, giả khóm, lan vòi.
  • Tên khoa học: Callisia fragrans (Lindl.) Woodson..
  • Họ:  họ Commelinaceae (Thài Lài)
  • Công dụng: trị mụn nhọt, ho, viêm họng, đau nhức xương khớp, nóng trong người, tiểu đường, viêm loét dạ dày.

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN:

Cây thân thảo, cao khoảng 15cm đến 40cm và có thể phát triển tới 1 mét. Thân cây phân thành nhiều đốt và nhiều nhánh khác nhau. Mỗi đốt chỉ dài khoảng 1cm đến 2cm. Tuy nhiên có những nhánh thân dài tới 10cm.

Lá cây lược vàng thuộc lá sáp, lá đơn hoặc mọc so le nhau, phiên có hình ngọn giáo. Lá có kích thước khoảng 12cm đến 20cm – 25cm, chiều rộng khoảng 4cm đến 6cm. Lá có bề mặt nhẵn, thông thường những lá tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời sẽ có màu tím, lá trong bóng râm màu xanh mướt. Màu ở mặt dưới sẽ nhạt hơn mặt trên.

Hoa có màu trắng, dạng dây, mọc thành cụm với 6 – 12 bông nhỏ. Cuống lá chỉ dài 1.5 đến 3mm. Thông thường, cây sẽ ra hoa vào mùa xuân đến mùa thu, phụ thuộc vào khí hậu từng vùng

PHÂN BỐ, THU HOẠCH VÀ CHẾ BIẾN

Phân bố: Lược vàng có nguồn gốc từ Mexico, sau một thời gian, giống cây này phát triển hơn và di thực tới các vùng đất khác như Tây Ấn Độ, Việt Nam và một số vùng ở Mỹ.

Ở Việt Nam, lược vàng được tìm kiếm và xuất hiện ở những khu vực có khí hậu ẩm ướt, nhiều bóng râm như sườn đồi, vùng núi thấp ở Tây Bắc. Hiện nay, giống cây này được nuôi trồng và thu hái ở nhiều tỉnh thành trên cả nước 

Thu hoạch: Tất cả các bộ phận đều có thể được thu hoạch quanh năm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm dân gian, lá cây nên được hái vào thời điểm lúc sáng sớm, khi mặt trời chưa mọc. Bởi lẽ đây là thời điểm lá có được nhiều dưỡng chất nhất.

Chế biến: Sau khi thu hái xong, dược liệu cần phải được bào chế theo những cách sau đây:

  • Rửa sạch lá cây với nước rồi dùng tươi. Ngoài ra người tiêu dùng có thể phơi, sấy khô hoặc sao vàng và sử dụng.
  • Với rễ và thân cây, rửa sạch với nước, để ráo nước rồi thái thành từng khúc ngắn vừa phải. Bộ phận này có thể dùng để ngâm rượu

BỘ PHẬN SỬ DỤNG

Tất cả các bộ phận rễ, thân, lá của cây đều được sử dụng để làm thuốc.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Trong cây Lược vàng chứa:Các Lipid gồm: Triacyglyceride, Sulfolipid, Digalactosyglyceride; Các acid béo: Paraffinic, Olefinic; Các sắc tố caroten, chlorophyll; Acid hữu cơ; Phytosterol; Các vitamin PP, B2; Các flavonoid: Quercetin, Kaempferol isoorientin (3′,4′,5,7-tetrahydroxyflavone-6-C-β-D-glucopyranoside); Các nguyên tố vi lượng: Fe, Cr, Ni, Cu

CÔNG DỤNG

Theo y học cổ truyền

Cây lược vàng có tính mát, vị nhạt, chua nhẹ và ít độc. Dược liệu có tác dụng trong việc giải độc, thanh nhiệt, cầm máu, hóa đờm và tiêu viêm rất tốt. Bởi công dụng hoạt huyết và tiêu viêm hiệu quả người ta sử dụng cây lược vàng để chữa bệnh về các vết thương và vết bầm tím trên cơ thể.

Không chỉ vậy, đây còn là bài thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan tới đường tiêu hóa như: loét hành tá tràng, viêm loét dạ dày

Theo y học hiện đại

Công trình nghiên cứu và thử nghiệm đã phát hiện, chứng minh hoạt chất flavonoid có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, giúp các mạch máu trong cơ thể bền hơn. Ngoài ra, chúng hoạt hóa, tăng cường tác dụng của Vitamin C đối với sức khỏe con người.

Flavonoid còn là dưỡng chất giúp giảm đau, an thần và kháng viêm. Chính bởi vậy, đây là bài thuốc điều trị chứng viêm loét dạ dày, tá tràng.

Hoạt chất phytosterol – một loại steroid có trong cây lược vàng có khả năng sát khuẩn, kháng sinh rất tốt. Sử dụng dưỡng chất này trong việc sát khuẩn, tẩy uế và các bài thuốc về đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, ho, rát họng

Lưu ý

Không nên sử dụng dược liệu cho người có hệ miễn dịch suy yếu.

Nguồn tham khảo:

  • Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam
  • Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam