Dược liệu

Cây Dâu Tằm

24-01-24 | 9:05
Cây dâu tằm

Dâu tằm, loại cây được biết đến từ rất lâu để lấy lá nuôi tằm, đồng thời còn là vị thuốc có nhiều tác dụng chữa bệnh như an thần, thanh nhiệt, giảm đau trong viêm xương khớp, giúp mạnh gân cốt, hạ huyết áp, tiêu viêm, lợi tiểu…”

TÌM HIỂU CHUNG

Tên gọi, danh pháp

Tên thường gọi: cây dâu còn có tên là dâu tằm, dâu cang (H`mông), tang, mạy mọn (Tày), nằn phong (Dao), tầm tang.

Tên khoa học: Morus alba L. Morus acidosa Giff

Họ khoa học: Thuộc họ dâu tằm Moraceae.

Đặc điểm tự nhiên

Thân gỗ, có thể cao tới 15m. Cành mềm, lúc non có lông, sau nhẵn và có màu xám trắng. Lá mọc so le, hình bầu dục, hình tim hoặc hình trứng, có mũi nhọn ở đầu, phiến mỏng, mềm, mép có răng cưa, chia 3 – 5 thùy hơi nhọn, 3 gân ở gốc, hai mặt màu lục sáng, cuống dài, mảnh, hơi có lông, có lá kèm

Hoa đơn tính, không có cánh hoa, cụm hoa đực có hình đuôi sóc dài 1,5 – 2cm, có 4 là đài, hơi có lông, nhị 4, chỉ nhị mảnh, bao phấn gần hình cầu, cụm hoa cái là bông ngắn hình trứng hoặc gần hình cầu dài 1 cm, hoa có 4 lá đài, bầu có 1 noãn

Quả phức gồm nhiều quả bế bao bọc trong các lá đài mọng nước, khi chín màu đỏ hay đỏ hồng sau đen. Mùa hoa quả vào tháng 5 đến tháng 7

Phân loại: Chi dâu tằm Morus L. được phân loại rất phức tạp và vẫn còn tranh cãi. Hơn 150 loài đã được đặt tên nhưng chỉ có 10 – 16 loài được chấp nhận rộng rãi.

Cây dâu tằm (Morus alba) tại Việt Nam gọi đơn giản là cây dâu, hay cây dâu trắng có nguồn gốc từ khu vực phía Đông Châu Á. Thường gọi là dâu trắng để phân biệt và thống nhất trong cách gọi tên với các loài dâu khác cũng thuộc chi Dâu tằm như dâu đỏ, dâu đen không có ở Việt Nam.

PHÂN BỐ, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Cây Dâu tằm có nguồn gốc ở Trung Quốc, sau được trồng rộng rãi ở các nước châu Á. Dâu tằm ưa ẩm, ưa sáng, thường được trồng ở bãi sông, nơi đồng cao và đất bằng cao nguyên. Tại Việt Nam, Dâu tằm đã được trồng ở từ lâu đời để lấy lá nuôi tằm, nhiều bộ phận khác thu hái làm thuốc.  

Cây ưa ẩm và sáng, thường được trồng trên diện tích lớn ở bãi sông, đất bằng, cao nguyên. (Bãi sông Hồng, sông Đáy, sông Thái Bình; Lâm Đồng và rải rác ở Đồng Bằng Sông Cửu Long). 

THU HÁI & CHẾ BIẾN

Lá Dâu: Có thể thu hái nhiều lứa tùy theo độ tuổi của cây, dùng lá bánh tẻ (lá cho tằm ăn), ngắt lá từ dưới lên, để lại những lá chưa hoàn toàn sinh trưởng hết phía đầu cành. Sau khi hái, loại bỏ lá úa, tạp chất rồi phơi hay sấy nhẹ

Thu hoạch: Mùa hoa tháng 4-5, mùa quả tháng 5-7, ở Việt nam và Trung Quốc đều có Cây được trồng khắp nơi trong lấy lá nuôi tằm, làm thuốc.
Cây được trồng để lấy lá nuôi tằm, quả nấu rượu và làm thuốc.

Cành Dâu: Thu hái quanh năm, chọn cành non có đường kính 0,5 – 1,5 cm, bỏ hết lá, chặt ngắn khoảng 1cm, thái mỏng, phơi khô. Trước khi dùng, có thể sao vàng hoặc tẩm rượu sao

Quả Dâu: Thu hái khi quả chín, dài 2 cm, đường kính 1 cm.

Vỏ/ Rễ: Chọn rễ ngầm dưới đất, rửa sạch, cạo bỏ hết lớp vỏ ngoài màu vàng nâu, lấy phần trong màu trắng ngà, chặt thành từng đoạn dài 20 – 50cm, rửa sạch phơi hay sấy khô. Dùng sống hoặc tẩm mật sao vàng

Bộ phận sử dụng được của Dâu tằm gồm:

  • Lá dâu, thường gọi là  Tang Diệp – Folium Mori
  • Vỏ/Rễ Dâu, thường gọi Tang Bạch Bì – Cortex Mori
  • Cành Dâu, thường gọi Tang chi – Ramulus Mori
  • Quả Dâu, thường gọi Tang Thầm – Fructus Mori

 

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Lá Dầu Tằm chứa ít tinh dầu, protein, carbohydrat, flavonoid, các dẫn chất coumarin (umbelliferon, scopoletin, scopolin), sterol (inokosterol, β-ecdysteron), vitamin (vitamin B, C, D, caroten), và nhiều thành phần khác (morocetin, , a-, b- hexenal, trigonellin, chất cao su, tanin,..)

Cành Dâu: chứa các flavonoid như morin, dihydromorin, dihydrokaempferol, mulberin, mulberronchromen, cyclomulberrin, cyclomulberrochromen. Ngoài ra còn chứa tetrahydroxybenzophenon, maclurin

Vỏ/Rễ Dâu: chứa các flavonoid bao gồm mulberin, mulberronchromen, cyclomulberrin, cyclomulberrochromen… Ngoài ra, vỏ rễ còn chứa các acid hữu cơ, tanin, pectin

Quả Dâu: chứa đường (glucose và fructose), acid malic và acid succinic, protein, tanin, vitamin C, caroten.

CÔNG DỤNG

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y:

  • Lá Dâu (Tang diệp)có vị đắng, ngọt, tính hàn, vào hai kinh can và phế có tác dụng tán phong, thanh nhiệt, lương huyết, sáng mắt. 
  • Vỏ rễ Dâu (Tang bạch bì)có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, vào kinh phế, có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi thủng, giảm ho, trừ đờm, hạ suyễn, tiêu sưng.
  • Cành Dâu (Tang chi)có vị đắng nhạt, tính bình, vào kinh can có tác dụng trừ phong thấp, lợi các khớp, thông kinh lạc, tiêu viêm, hạ nhiệt, giảm đau. 
  • Quả Dâu (Tang thầm)có vị ngọt, chua, tính mát, vào kinh can và thận, có tác dụng dưỡng huyết, bổ gan thận, trừ phong, dùng chữa bệnh tiêu khát, loa lịch, mắt có màng, ù tai, huyết hư, tiện bí.

Theo y học hiện đại

Tác dụng ức chế vi khuẩn

Cao nước và cao kiềm của lá và thân cây Dâu có tác dụng ức chế các vi khuẩn gram dương và các men. Cao chiết với methanol của cây Dâu có tác dụng ức chế sự phát triển của các chủng vi khuẩn Klebsiella pneumonia, Staphylococccus aureus, Candida albicans, Mycobacterium phlei.

Tác dụng hạ huyết áp & an thần

Lá và vỏ rễ trong của Dâu có tác dụng hạ huyết áp và tác dụng này bị đối kháng bởi atropin. Đồng thời còn có tác dụng giãn mạch, an thần nhẹ.

Chế phẩm Passerymun bao gồm lá Dâu, Lạc tiên, Vông nem, lá Sen, Thảo quyết minh, hạt Tơ hồng, hạt Keo đậu, củ Sâm đại hành, được sử dụng trên lâm sàng để an thần, giúp bệnh nhân ngủ dễ dàng và an giấc.

Vỏ rễ Dâu có tác dụng tương tự acetylcholin bao gồm hạ huyết áp, giãn mạch ngoại biên, ức chế tim ếch cô lập, co nội mạch tạng,… Các hoạt chất tinh khiết như moracenin A, B, D phân lập từ vỏ rễ Dâu đã thể hiện tác dụng chống tăng huyết áp trên thỏ.

Tác dụng hạ đường huyết

Cao chiết với methanol và nước từ vỏ rễ Dâu làm giảm mức đường huyết ở chuột nhắt. Chất moran A được phân đoạn từ cao chiết đã thể hiện tác dụng hạ đường huyết rõ rệt ở chuột nhắt bình thường và chuột nhắc đã được gây tăng đường huyết với aloxan.

LIỀU DÙNG & CÁCH DÙNG

Chữa phế nhiệt, ho có đờm, hen, khái huyết, trẻ con ho gà, phù thũng, bụng chướng to, tiểu tiện

không thông, băng huyết, sốt, cao huyết áp:

Dùng vỏ rễ, ngày dùng 4 – 12g, có khi đến 20 – 40g, dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng Cây Dâu Tằm

  • Những người phế hư nhưng không hỏa và ho hàn thì không dùng được vỏ rễ Dâu tằm
  • Quả Dâu tằm không dùng cho những người đại tiện tiết tả

Nguồn tham khảo:

  • Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1 (Tr. 613
  • Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Tr. 720)