Dứa Dại
Dứa dại hay còn gọi là Dứa gỗ, Dứa gai. Đây là một loài cây mọc hoang phổ biến ở nhiều nơi. Dứa dại thường được sử dụng để chữa bệnh sỏi thận và viêm đường tiết niệu. Ngoài ra, dứa dại cũng có thể được sử dụng ở dạng dùng ngoài để điều trị bệnh trĩ, thấp khớp và mụn nhọt ngoài da.
Nội dung
TÌM HIỂU CHUNG
- Tên gọi
– Tên thường gọi: Dứa rừng, Dứa gai, Dứa núi, Dứa gỗ, Mạy lạ (Tày), Co nam lụ (Thái), Lâu kìm (Dao)
– Tên khoa học: Pandanus tonkinensis Mart. ex B. Stone
– Họ khoa học: Thuộc họ Dứa dại (Pandanaceae)
- Đặc điểm tự nhiên
Đây là loài cây nhỏ phân nhánh ở ngọn, cao 3 – 4m, với rất nhiều rễ phụ thả xuống đất. Lá mọc ở đầu nhánh thành chùm, hình bản dài 1 – 2m, gân giữa và mép có gai sắc.
Bông mo đực thành bông tận cùng và rũ xuống với mo màu trắng, riêng biệt. Hoa rất thơm, bông mo cái mọc đơn độc gồm rất nhiều lá noãn.
Cụm hoa mang quả sẽ phát triển thành khối có hình dạng giống với quả trứng, có cuống, dài 15 – 25cm. Quả có màu xanh và sẽ chuyển sang vàng cam khi chính. Quả hạch phẳng, có góc cạnh, ở đỉnh tạo thành hình bướu, có nhiều hốc, nhiều cạnh.
Hạch cứng của cây Dứa dại được dùng để chế tác thành vòng tay bồ đề.
PHÂN BỐ, THU HÁI, CHẾ BIẾN
- Phân bố
Dứa dại phân bố nhiều ở Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam. Loài thực vật này ưa sống ở những vùng đất có độ mặn cao như dọc bờ ngòi nước mặn, bờ bụi ven biển,…
- Thu hái
Có thể thu hái lá, đọt non và rễ của cây quanh năm. Nếu dùng rễ chỉ thu hoạch những rễ bám đất, không nên dùng rễ nằm sâu dưới đất.
Quả nên thu hái vào mùa đông.
- Chế biến:
– Thái mỏng, sấy và phơi khô dùng dần.
– Quả: Dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần
- Bảo quản:
– Bảo quản nơi khô ráo và thoáng mát.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Quả Dứa dại từ lâu đã được biết tới như một loài thực vật có chứa nhiều caffeoylquinic acid và carotenoid.
Một nghiên cứu mới cho thấy chiết xuất lá Dứa dại có một loại triterpene tirucallane mới, 24,24-dimethyl-5β-tirucall-9, 25-dien-3-one, squalene và hỗn hợp của phytosterol stigmasterol và sitosterol.
CÔNG DỤNG
Tính Vị:
– Quả có vị ngọt, tính bình.
– Rễ có vị ngọt nhạt, tính mát.
– Đọt có vị ngọt, tính hàn.
– Hoa có vị ngọt, tính lạnh.
Quy kinh: Đọt cây dứa rừng quy vào kinh Bàng quang, Tiểu trường, Phế và Tâm.
Theo y học cổ truyền:
– Quả có tác dụng cường tâm, phá tích trệ, ích huyết, giải độc rượu, bổ tỳ vị và tiêu đờm.
– Đọt có tác dụng lương huyết, sinh cơ, thanh nhiệt, tán nhiệt độc, sinh cơ và chỉ huyết.
– Hoa có tác dụng trừ thấp nhiệt, thanh nhiệt, cầm tiêu chảy do nhiệt độc và lợi thủy.
– Chủ trị: Sỏi thận, cảm sốt, viêm đường tiết niệu, thấp khớp, lòi dom, đinh râu, ho,…
Theo y học hiện đại
– Chống thiếu vitamin A
– Trị viêm gan B
– Chữa gout
– Chữa sỏi thận
– Béo phì, thừa cân
– Chữa bệnh tiểu đường
– Làm đẹp và chống lão hóa…
LIỀU DÙNG & CÁCH DÙNG
Có thể dùng dứa dại ở dạng sắc uống hoặc dạng đắp ngoài. Liều lượng như sau:
– Quả dứa rừng: 30 – 40g/ ngày
– Đọt non cây dứa rừng: 20 – 30g/ ngày
– Rễ cây dứa rừng: 10 – 15g/ ngày
Lưu ý
– Hầu hết các bộ phận của cây dứa rừng đều có tính lạnh, do đó nên thận trọng khi dùng cho người có tỳ vị hư hàn.
– Nên tham vấn y khoa trước khi thực hiện để phòng ngừa những rủi ro không đáng có.