Dược liệu

Gừng

gừng 1

Gừng là một cây gia vị quen thuộc với người Việt Nam. Bên cạnh đó, Gừng cũng là vị thuốc nổi tiếng trong y học cổ truyền với nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe.

TÌM HIỂU CHUNG

  • Tên gọi

– Tên thường gọi: Khương, Sinh Khương, Can Khương

– Tên khoa học: Zingiber offcinale Rosc

– Họ khoa học: Zingiberaceae (họ Gừng)

  • Đặc điểm tự nhiên

Gừng là một loại cây nhỏ, sống lâu năm, cao 0,60 đến 1m.

Củ Gừng màu vàng nhạt, mùi thơm.

Thân rễ mầm lên thành củ, lâu dẫn thành xơ.

Lá mọc so le, không cuống, có bẹ, hình mác dài 15 đến 20cm, rộng chừng 2cm, mặt bóng nhãn, gần giữa hơi trắng nhạt, và có mùi thơm.

Trục hoa xuất phát từ gốc, dài tới 20cm, cụm hoa thành bông mọc sít nhau, hoa dài 5cm, rộng 2-3cm, lá bắc hình trứng, dài 2,5cm, mép lưng màu vàng, đài hoa dài chừng 1cm, có 3 răng ngắn, 3 cành hoa dài chừng 2cm, màu vàng xanh, mép cánh hoa màu tím, nhị cũng tím. Loài gừng trồng rất ít ra hoa.

PHÂN BỐ, THU HÁI, CHẾ BIẾN

  • Phân bố

– Gừng được trồng ở khắp nơi trong nước ta để lấy củ ăn và làm thuốc, dùng trong nước và xuất khẩu.

  • Thu hái

– Thân rễ: Thường thu hoạch khi cây sắp lụi.

– Củ: Đào củ vào mùa hạ và thu

  1. Chế biến:

Khi thu hoạch, cây được nhổ lên và cắt lấy phần củ, loại bỏ sạch đất cát. Sau đó đem về rửa sạch, dùng ở dạng tươi hoặc đem phơi khô.

Tùy theo hình thức sử dụng và cách bào chế mà Đông y có các vị thuốc từ gừng như sau:

– Khương: Thân và rễ Gừng, dùng tươi hoặc khô.

– Sinh khương: Gừng tươi

– Tiêu khương: Củ gừng tươi được thái lát dày, đem phơi khô. Sau đó sao đến khi xém vàng, vẩy vào gừng một ít nước khi còn đang nóng, đậy kín lại để nguội.

– Bào khương: Gừng khô đã được bào chế

– Thán khương (Hắc khương): Gừng khô thái lát dày, đem nướng hoặc sao cháy đen tồn tính.

– Khương bì: Vỏ củ gừng đã phơi khô.

– Can khương: Củ gừng tươi được đem phơi hoặc sấy khô

  1. Bảo quản:  

– Bảo quản ở nơi khô ráo thoáng mát.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

– Trong gừng có 2-3% tinh dầu. Ngoài ra còn có chất nhựa dầu (5%), chất béo (3,7%), tinh bột và các chất cay như zingeron, zingerola và shogaola.

– Trong tinh dầu có camphen, B phelandren, một cacbua: zingiberen C15H24, một rượu sesquitecpen, một ít xitrala bocneola và geraniola.

– Phần nhựa dầu có các dẫn chất gingerol, shogaol mang lại vị cay đặc trưng của Gừng. Ngoài ra còn có các enzym protease, tinh bột.

CÔNG DỤNG

Tính vị:

Củ gừng được ghi nhận với vị cay, tính ấm. So với sinh khương (gừng tươi) thì can khương (gừng khô) có tính nóng hơn. Riêng thán khương (hắc khương) có vị đắng.

Quy kinh:

Nhiều tài liệu y học cổ truyền ghi nhận về khả năng quy kinh của gừng:

– Theo sách Trung dược học: Dược liệu quy vào 3 kinh gồm Phế, Tỳ và Vị

– Theo Lôi Công bào chế dược tính giải: Dược liệu tác động đến 4 kinh gồm Phế, Tâm, Tỳ và Vị.

– Theo Bản thảo hối ngôn: Gừng quy  vào 4 kinh Tỳ, Phế, Trường, Vị.

– Theo Bản thảo kinh giải: Dược liệu đi vào 3 kinh kinh Đởm, Can, Phế.

Theo y học cổ truyền:

– Sinh khương: Hoạt huyết, kích thích lưu thông máu, tăng cường sản sinh dịch vị, hưng phấn ruột, thúc đẩy tiêu hóa. Chủ trị cảm lạnh, ho do lạnh, viêm họng, buồn nôn, hôi nách, say tàu xe, cảm lạnh, ho có đờm, viêm phế quản, khàn tiếng, đau họng, đau dạ dày…

– Can khương: Gừng khô giúp làm ấm dạ dày. Chủ trị tỳ vị hư hàn, đau bụng, ho có đờm do lạnh, thổ tả hay trướng bụng.

– Thán khương: Dược liệu này có tác dụng chỉ huyết, cầm máu cho đường ruột. Khi tẩm đồng tiện có tác dụng làm ấm can thận và giáng hư hỏa.

– Khương bì: Có tác dụng lợi tiểu. Dùng kết hợp với các dược liệu khác có tác dụng chữa phù thũng.

Theo y học hiện đại

– Ở đường hô hấp: Ức chế virus hợp bào ở đường hô hấp. Ngăn ngừa và cải thiện tình trạng ho, khó thở, sưng đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi và các triệu chứng liên quan đến bệnh cảm lạnh, cảm cúm, hen suyễn, viêm họng hay viêm phế quản.

– Ở đường tiêu hóa: Gừng có tác dụng trung hòa axit dạ dày, giảm viêm ở niêm mạc ruột, chống trào ngược dạ dày thực quản, xoa dịu cơn đau bụng, đau dạ dày. Bên cạnh đó, thảo dược này cũng giúp thúc đẩy tiêu hóa, giảm ợ chua, khó tiêu.

– Trên hệ tuần hoàn: Một số hoạt chất trong gừng có khả năng làm giãn nở mạch máu, tăng cường lưu thông máu đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, đồng thời giảm cholesterol trong máu.

– Với hệ cơ xương khớp: Gừng giúp giảm đau nhức xương khớp. Đặc tính chống viêm của dược liệu này cũng giúp hỗ trợ điều trị viêm khớp, phong thấp, bệnh gout và nhiều vấn đề khác liên quan đến cơ xương khớp.

– Ở hệ thần kinh: Gừng có tác dụng giảm căng thẳng, lo âu, chóng mặt, xoa dịu cơn đau đầu.

– Các tác dụng khác: Ngăn ngừa tiểu đường, chống say tàu xe, hỗ trợ giảm cân, phòng ngừa ung thư, tăng cường sinh lý.

LIỀU DÙNG & CÁCH DÙNG

Liều dùng:

– Sinh khương: Dùng 4 – 10 gr/lần

– Can khương: Dùng 2 – 6 gr/lần

– Thán khương: Dùng 2 – 4 gr/lần

Cách dùng:

– Sắc uống

– Hãm trà

– Tán bột mịn làm hoàn, sắc hay pha uống

– Dùng trực tiếp ở dạng tươi

– Nấu nước xông hơi, ngâm chân…

Lưu ý

Không sử dụng gừng cho các đối tượng đang gặp các vấn đề sau:

– Âm suy kìm vượng nhiệt trong cơ thể

– Huyết áp cao

– Nội nhiệt âm hư

– Nhiệt hao (hen) đại suyễn

– Đau nhọt chứng huyết

– Đang dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường, thuốc điều trị cao huyết áp

– Rối loạn chảy máu

– Thai sản sa trướng

– Mắt đỏ bệnh hầu

– Chảy máu tử cung

– Viêm gan cấp và mãn tính, xơ gan

– Bệnh nhân bị trĩ và phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều gừng.

Nên tham khảo ý kiến thầy thuốc, nhân viên y tế trước khi áp dụng nhằm đảm bảo bài thuốc thực sự an toàn và cho tác dụng tốt.

NGUỒN THAM KHẢO:

https://bvnguyentriphuong.com.vn/

https://vnras.com/

https://mplant.ump.edu.vn/

https://suckhoeviet.org.vn/