Dược liệu

Sen

Hoa sen

Cây hoa sen không chỉ là một biểu tượng trong văn hóa mà còn là một loại thảo mộc gần gũi và bình dị quen thuộc với xóm làng, người Việt. Cây sen được dùng trong ẩm thực và trong chế biến các bài thuốc nam. Ông bà ta đã dùng củ sen, lá sen, hạt sen, tâm sen,… để làm thuốc chữa bệnh đau nhức, tả lị, mất ngủ, chảy máu cam,…

TÌM HIỂU CHUNG

  • Tên gọi

– Tên thường gọi: Sen hồng, liên hoa, quỳ

– Tên khoa học: Nelumbo nucifera Gaertn. (Nelumbium nuciferum Gaertn., Nelumbium speciosum Willd.).

– Họ khoa học: Thuộc họ Sen (Nelumbonaceae)

Phân nhóm: Sen hồng, sen trắng (Nelumbo lutea)

  • Đặc điểm tự nhiên

Cây sen là một cây thuốc quý, một loại cây mọc dưới đầm lầy.

– Thân rễ hình trụ thường gọi là củ sen hay ngẫu tiết, ăn được.

– Lá mọc lên khỏi mặt nước, cuống lá dài, có gai nhỏ, phiến lá hình khiên, to, đường kính 60-70cm có gân toả tròn.

– Hoa to màu trắng hay đỏ hồng, đều lưỡng tính. Đài 3-5, màu lục, tràng gồm nhiều cánh màu hồng hay trắng một phần, những cánh ngoài còn có màu lục như lá đài. Nhị nhiều, bao phấn 2 ô, nứt theo một kẽ dọc. Trung đới mọc dài ra thành một phần hình trắng thường gọi là gạo sen dùng để ướp chè. Nhiều lá noãn dời nhau đựng trong một đế hoa loe ra thành hình nón ngược gọi là gương sen hay liên phòng. Mỗi lá noãn có 1-3 tiểu noãn.

– Quả chứa hạt gọi là liên nhục. Hai lá mầm dày. Chồi mầm còn gọi là liên tâm gồm 4 lá non gập vào phía trong.

PHÂN BỐ, THU HÁI, CHẾ BIẾN

  • Phân bố

– Cây Sen có nguồn gốc ở miền Malaysia, châu Ðại dương và vùng Ðông Dương.

– Ở Việt Nam sen được trồng ở nhiều nơi, mọc hoang ở các vùng ao hồ, đầm,…

  • Thu hái

– Sen được trồng ở nhiều nơi trong nước ta để ăn và dùng làm thuốc. Mùa thu hái vào các tháng 7-9.

  1. Chế biến:

Bộ phận dùng: Toàn cây đều có thể dùng làm thuốc.

– Hạt Sen: Semen Nelumbinis, thường gọi là Liên tử là phần màu trắng bên trong vỏ cứng của quả Sen, sau khi đã bỏ cả chồi mầm. Có thể dùng tươi hoặc sấy khô.

– Tâm Sen: Plumu Nelumbinis, thường gọi Liên tử tâm là mầm xanh ở chính giữa hạt Sen. Loại bỏ vỏ cứng bên ngoài rồi ngâm hoặc ủ cho mềm, phơi hay sấy nhẹ đến khô.

– Gương Sen: Receptaculum Nelumbinis, thường gọi Liên phòng là đế của hoa đã lấy hết quả, phơi khô.

– Tua nhị Sen: Stamen Nelumbinis, thường gọi Liên tu là chỉ nhị của hoa Sen. Khi hoa sen nở vào mùa hè, nhị hoa được lấy và phơi khô trong bóng râm.

– Lá sen: Folium nelumbinis thường gọi là Hà Diệp, phơi khô.

– Củ sen: Nodus Nelumbinis Rhizomatis, thường gọi Ngẫu tiết. Dùng tươi hoặc phơi khô.

  1. Bảo quản:  

– Bảo quản ở nơi khô ráo thoáng mát.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

– Hạt sen: Tinh bột, chất béo, protein, calci, sắt, phosphor, acid béo, acid amin

– Tâm sen: Alkaloid (nuciferin, roemerin, anonain. N-nornuciferin….)

– Gương sen: Chất đạm, chất béo, carbohydrat và một lượng nhỏ vitamin C.

– Tua nhị: Tinh dầu và tanin.

– Lá sen: alkaloid (nuciferin, roemerin, anonain. N-nornuciferin….), flavonoid (quercetin-3-O-β-D-glucuronid, hyperosid, isoquercitrin..), vitamin C

– Củ sen: vitamin C, A, B, P, tinh bột và một ít tanin.

CÔNG DỤNG

Tác dụng dược lý:

Mỗi bộ phận của cây hoa sen sẽ có những tác dụng dược lý khác nhau. Cụ thể:

– Hạt sen: Cung cấp nhiều khoáng chất, an thần, bổ tâm, điều trị mất ngủ, trị chứng kiết lị, điều trị mất ngủ,…

– Lá sen: Chữa mất ngủ, chữa băng huyết, chữa thổ huyết, cầm máu, giải nhiệt, trị cảm nắng, chống co giật, giúp an thần, giảm đau, chống oxy hóa, kháng khuẩn…

– Tâm sen: Chữa mất ngủ, giúp an thần, chữa khát nước sau khi sinh đẻ;

– Gương sen (đế hoa sen): Cầm máu, tiêu khát, tiêu ứ, đẩy lùi đái tháo đường, chữa chứng băng huyết, chữa đái ra máu.

Tính vị:

Theo Đông y, mỗi bộ phận của cây sen đều có chứa những tính vị khác nhau:

– Hạt sen có vị ngọt, tính bình;

– Gương sen có vị đắng và chát, tính ấm, mùi thơm;

– Tâm sen có vị đắng, tính hàn và không độc.

– Tua nhị Sen có vị chát, tính ấm, quy vào 2 kinh tâm, thận, có tác dụng giữ tinh, ích thận, thanh tâm, chỉ huyết.

– Củ sen có vị ngọt, hơi chát, tính mát, bình, không có độc, quy kinh Tâm, Can, Tỳ.

Theo y học cổ truyền:

– Hạt sen: chữa bệnh đường ruột, di mộng tinh, hồi hộp mất ngủ, cơ thể suy nhược. Hạt sen dùng làm thực phẩm.

– Tim sen: tâm phiền, nôn mửa có máu, chữa sốt khát nước, huyết áp cao, mất ngủ, dị tinh, mộng tinh

– Gương sen: cầm máu trong băng huyết, rong huyết.

– Tua nhị sen: chữa băng huyết, thổ huyết.

– Lá sen: trị say sóng, viêm ruột, nôn ra máu, chảy máu cam, giảm cân

– Củ sen: bổ huyết, điều kinh, cầm máu, trị tiêu chảy, tráng dương, an thần, thanh nhiệt lương huyết, tả vị hỏa, tiêu thực, bổ tâm. Chủ trị các chứng ăn nhanh đói, đau dạ dày, nóng rát thượng vị, xuất huyết.

Theo y học hiện đại

– Tua nhị Sen: Hạ lipid máu, nhuận tràng, kháng khuẩn

– Tâm Sen: Hỗ trơ hệ tim mạch, điều hòa hệ thần kinh, kháng khối u, hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, trị chứng hồi hộp, mất ngủ, đau vùng tim, chữa mất ngủ, hay hồi hộp, huyết áp cao

– Củ Sen: Cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, hỗ trợ hoạt động của hệ thần kinh, bảo vệ gan, chữa táo bón, bảo vệ dạ dày, tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa, ổn định huyết áp, bổ máu, làm đẹp da, giảm cân, bổ sung vitamin C, chống viêm nhiễm, hạ đường huyết, thư giãn, giảm stress

LIỀU DÙNG & CÁCH DÙNG

– Hạt Sen: 10 – 30g/ngày. Hạt sen có thể dùng tươi hay khô.

– Tua nhị Sen:

+ Chữa băng huyết, thổ huyết, di mộng tinh, mất ngủ. Ngày dùng 5 – 10g, dạng thuốc sắc.

+ Liên tu chủ trị di tinh, đái són, bạch đới. Liều 4 – 12g, sắc uống.

– Tâm Sen: Liều dùng từ 2 g đến 5 g, thường phối hợp trong các bài thuốc.

– Củ Sen: 10 – 20g/ngày dạng thuốc sắc hoặc dùng sống.

+ Với các chứng đau dạ dày: Phơi khô để dùng.

+ Với các chứng xuất huyết, chảy máu cam, tiểu ra máu: Sao tồn tính để dùng.

Lưu ý

– Thận trọng khi sử dụng các bài thuốc ở phụ nữ có thai, người cao tuổi, trẻ nhỏ.

– Trước khi dùng thuốc, người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ.

NGUỒN THAM KHẢO:

https://mplant.ump.edu.vn/

https://bvnguyentriphuong.com.vn/

https://vnras.com/

https://thuocdantoc.vn/

https://youmed.vn/